Vô Thường guitar, tiếng đàn bất tử!

TP: Chắc hẳn đối với những người từ 30 tuổi trở lên, ai cũng đã từng nghe qua một vài băng đĩa nhạc hòa tấu guitar Vô Thường. Cố nhạc sĩ Vô Thường (1940 – 2003) tên thật là Võ Văn Thường quê Ninh Thuận, rất quen thuộc với giới trẻ trước năm 1975. Vô Thường là ông chủ quán cà phê Diễm ở Phan Rang, có phong thái nghệ sĩ và rất chịu chơi, bằng hữu thân thiết gọi anh bằng cái tên “giang hồ” là Bảy Rìu, nhưng người đời chỉ biết anh qua cái tên Vô Thường với ngón đàn tay trái độc nhất vô nhị. Mời bà con đọc bài viết của GS Trần Quang Hải để biết thêm đôi chút về người nghệ sĩ tài hoa độc đáo với cái tên: Vô Thường.

***

Vô Thường (1940 – 2003): Một hiện tượng trong làng tân nhạc Việt Nam hải ngoại

  • Trần Quang Hải (Paris, mùa thu 2003)

Từ nhiều năm qua, tôi đã nghe rất nhiều băng nhạc, dĩa CD, gặp gỡ rất nhiều danh ca cũng như nhạc sĩ Việt Nam từ những người nổi tiếng từ lúc còn ở Việt Nam đến những người bắt đầu tạo nên tiếng tăm ở hải ngoại. Tôi muốn nói đến các nhạc sĩ đàn anh như Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Phạm Đình Chương, Phạm Mạnh Cương, Nhật Bằng, Hoàng Trọng, Xuân Lôi, Xuân Tiên, Trịnh Hưng, Lê Hữu Mục, Mạnh Bích, đến các danh ca có nhiều tên tuổi như Thái Thanh, Khánh Ly, Bạch Yến, Lệ Thu, Thanh Thúy, Hương Lan, Elvis Phương, Chế Linh, Anh Khoa, Tuấn Ngọc, Duy Quang ,Thanh Tuyền, Kim Tước, Châu Hà, vv… Tôi muốn nói tới những nhạc sĩ trẻ như Đức Huy, Trần Quảng Nam, Trịnh Nam Sơn, các nhạc sĩ phong trào Hưng Ca,các nhạc sĩ các quán Nhạc Việt, Em Ca Hát , các nữ nhạc sĩ trẻ xuất hiện ở hải ngoại như Nguyệt Ánh, Khúc Lan, Lê Khắc Thanh Hoài, Trang Thanh Trúc, Bảo Trâm, Hoàng Kim Chi, hay các ca sĩ trẻ như Ngọc Lan, Ý Lan, Linda Trang Đài, Như Quỳnh, Dalena, Thanh Hà, Tuấn Anh, Tuấn Vũ, Mạnh Đình, vv…

PhotobucketBăng nhạc đã được sản xuất quá nhiều. Rồi tới CD, VCD, DVD đủ tất cả các loại . Các trung tâm băng nhạc mọc lên như nấm. Từ những cuốn băng đầu tiên được thu ở hải ngoại của Thanh Thúy khoảng tháng 4, năm 1976 cho tới ngày hôm nay , bìa băng đã ghi nhận một sự tiến bộ vượt bực từ cách trình bày trang nhã, đơn sơ đến phần chữ nổi, đến những tấm hình ca sĩ hay người đẹp chụp rất hấp dẫn. Kỹ thuật trình bày có tiến bộ. Kỹ thuật thu thanh tân kỳ hơn. Một vài trung tâm thu băng đầu tiên do nhạc sĩ Việt đứng ra làm chủ như Trung Tâm Tùng Giang, trung tâm Anh Tài. Cả hai Tùng Giang và Anh Tài đều là nhạc sĩ nên họ chú trọng đến kỹ thuật âm thanh nhiều dù rằng người mình vẫn còn mắc phải bịnh để quá nhiều “écho”.Trong thập niên 80, thị hiếu của người mua băng nhạc có vẻ thoái bộ. Qua những cuốn băng được xuất bản từ giữa năm 1985 cho tới 1989, tôi chỉ thấy hình bìa với những cô gái Việt Nam đẹp thì không chỗ chê, nhưng càng ngày càng ăn mặc hở hang. Nếu người mua chỉ thích mua vì hình bìa hở hang khêu gợi thì chắc người đó sẽ không để ý tới nghệ thuật âm nhạc của cuốn băng đó.Lý do biết tới nhạc sĩ Vô Thường

Tình cờ đọc trên báo Hồn Việt phát hành tại Glendale, Quận Cam, Cali hồi tháng 5 năm 1987, tôi thấy có một bài quảng cáo 2 cuốn băng chuyên về tây ban cầm do anh Vô Thường độc tấu các bản nhạc quen thuộc của giới nghe nhạc Việt Nam. Tôi tự hỏi: – Vô Thường là ai vậy cà? Cái biệt hiệu cũng lạ nữa Tại sao lại Vô Thường? Như vậy có nghĩa là “không có bình thường” hay là “Khác thường”, “Dị thường”, “Bất thường”?
[…]
Ngồi lắng nghe cuốn “Ru khúc Mộng Thường” 1, những âm điệu của các nhạc phẩm quen biết của Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Trần Định, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương qua ngón đàn tây ban cầm của anh Vô Thường gây cho tôi từ ngạc nhiên nây đến ngạc nhiên nọ. Người này là ai mà có ngón đàn có hồn như vậy mà mình chẳng bao giờ quen hay biết tới? Nghe một lần, chưa đủ để nhận định. Nghe lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Càng nghe càng thấm. Tiếng đàn chạy khắp cơ thể, vào tận trong tim não. Càng về khuya, tiếng đàn càng ảo não, như gợi cho tôi một hình ảnh đau buồn, một tâm hồn tuyệt vọng, một ảo thanh của thế giới huyền mộng chứ không phải là “mộng thường” của một anh chàng mang tên là Vô Thường. Tôi không muốn để đầu óc chuyên phân tách nhạc ngữ của tôi làm chi phối tôi mà tôi muốn để tâm hồn tôi bay theo tiếng đàn. Quên đi kỹ thuật mà chỉ nhắm vào tình cảm, để tìm hiểu con người yêu nhạc, muốn mượn tiếng đàn của mình để nói lên một cái gì đó. Và chính “cái gì đó” làm cho tôi tò mò muốn tìm hiểu thêm về con người, về hứng nhạc của anh nhạc sĩ có tên khá đặc biệt là VÔ THƯỜNG .

Vài dòng về thân thế anh Vô Thường

Anh tên thật là Võ Văn Thường, sinh năm 1940 tại Phan Rang, đỗ khóa 9 trường sĩ quan Thủ Đức, phục vụ ngành tâm lý chiến. Lúc nhỏ, anh rất yêu nhạc, có thể nói là mê nhạc nhưng không có phương tiện để học nhạc vì nơi anh ở không có trường quốc gia âm nhạc như Saigon và Huế. Cho nên anh tự học đàn lấy một mình. Nhờ có khiếu, anh đánh đàn măng cầm (mandoline) rất khá, và đã chiếm giải “người đánh đàn mandoline hay nhứt của quân khu” vào năm 1962.

Tên VÔ THƯỜNG đã được xuất hiện từ lúc đó, nhưng chỉ được một số người trong binh chủng biết đến mà thôi. Anh cũng có giao dịch và gặp gỡ những tay đàn mandoline nổi tiếng ở Việt Nam lúc đó như Pierre Trần (Trần Anh Tuấn), Lê Duyên, Khánh Băng, Nguyễn Mạnh, Đức Quê, Văn Lạc. Cũng như nhạc sĩ Khánh Băng, anh chuyển từ mandoline qua tây ban cầm vào năm 1966. Có một điều là anh đàn tây ban cầm bằng tay trái, ngược đối với tất cả cao thủ đàn ghi-ta. Tuy vậy anh cũng thường xuyên đàn trong một số ban nhạc ở các club Mỹ tại Phan Rang, nơi anh làm việc ở tại trung tâm Bình Định phát triển ở tòa hành chánh Ninh Thuận.

Cuộc đời binh chủng cũng như văn nghệ của anh tưởng cứ như thế mà tiến triển một cách trầm lặng. Nào dè 30 tháng 4, 1975 đến với sự …, anh đã phải tự tháo thân, không kịp đem theo vợ và hai con gái trên con đường tạm dung. Anh đã theo lớp người Việt đầu tiên đến xứ Mỹ.

Không biết làm nghề gì trong giai đoạn đầu của cuộc sống mới, anh mới nẩy ra ý mở một cửa hàng bán bàn ghế, tủ giường. Anh trở thành ngưới Việt đầu tiên hành nghề này tại vùng Quận Cam. Từ đó cho tới năm 1987 anh làm chủ tiệm Kim’s Furniture ở Santa Ana, California. Có một dạo, anh mở tới 5 tiệm nhưng vì coi không xuể, lớp vì có máu văn nghệ mạnh quá, anh mới “thử thời vận” hùn với một người bạn mở một khiêu vũ trường mang tên là RITZ vào tháng 3, năm 1983.

Nhưng tới tháng 7, 1984, sau 16 tháng “lăn lóc” có dịp thù tạc chén anh chén em, anh đã nhường khiêu vũ trường RITZ lại cho Ngọc Chánh, trưởng ban Shotgun để quay về nghề bán bàn ghế như trước.

Tuy không có hợp mặt cùng anh em nghệ sĩ trên sân khấu, anh vẫn tiếp tục mượn tiếng đàn tây ban cầm để dạo những khúc nhạc của thời vàng son của miền Nam. Không những nhạc Việt mà còn cả nhạc ngoại quốc. Trong một lá thơ anh viết cho tôi, anh đã kể như sau : “tôi đàn tay trái, thành ra phải học mò và đàn lấy một mình khi còn nhỏ. Không học ký âm pháp nhiều, chỉ quọt quẹt chút ít, nên đôi khi nhìn bản nhạc mà đàn thì chẳng ra hồn. Tôi chỉ ân hận những ngày còn nhỏ vứt đi những thời giờ quý báu. Thành ra cho tới bây giờ, nghĩ cũng muốn để đi vào khuôn khổ. Tôi kỳ vọng gởi hồn vào những bản nhạc những khi hứng đàn, hát và viết nhạc .. Đền bù vào đó, tôi rất nhớ dai và dễ học. Những bản nhạc nghe qua một lần hai lần là tôi mò ra và đánh được, dầu không đúng hẳn 100 %.

Rồi một ngày chủ nhật 19 tháng 4, 1987, tại quán Phở Ngon ở quận Cam, Cali, anh Vô Thường đã cho trình làng hai cuốn Ru khúc mộng thưòng 1 và 2, kết quả của tiếng đàn tây ban cầm mà anh đã để hết tâm hồn cho hai đứa con gái của anh đã đòi hỏi anh đàn cho chúng nghe vì khi anh ra đi, chúng chỉ mới có 6 và 4 tuổi . Hai cuốn băng trình làng với sự hiện diện của 200 bạn bè đã gặt hái một kết quả tài chánh và nghệ thuật rất đáng kể. Anh đã dành số tiền 800 Mỹ kim bán băng buổi ra mắt để tặng cho Ủy ban cứu trợ quốc tế (International Rescue Committee) để giúp những trẻ mồ côi tại các trại tỵ nạn Đông Nam Á.

Băng của Anh đã được tái bản nhiều lần, hơn hẳn những băng nhạc chuyên nghiệp và báo chí đã cho hiện tượng đó là “ngựa về ngược”. Anh tiếp tục cho trình làng thêm hai cuốn băng khác vào tháng 6 với tựa đề “Hạnh phúc nửa vời” gồm những bản nhạc do Anh sáng tác qua một số giọng hát có tên tuổi trình bày, và một cuốn “Hải Âu” do ca sĩ và nhạc sĩ Phạm Hoàng Dũng phụ trách.

Con đường âm nhạc anh đã dấn thân vào chỉ mới có mấy tháng trong năm 1987 mà đã gây một tiếng vang. Và dư âm đã vang dội cho tới ngày anh ra đi vào tháng 4, 2003 sau nhiều tháng chống trả với tử thần vì bịnh ung thư , 16 năm thành công với hơn 120 CD đã lưu lại cho hậu thế.

Vô Thường: Ca sĩ và Nhạc sĩ

Anh Vô Thường có viết cho tôi rằng anh không phải là ca sĩ hay nhạc sĩ gì cả . Giọng anh thì khàn, loại “khao khao vọng cổ”, nếu không nói là “giọng vịt đực”. Nhưng anh Vô Thưòng đâu có biết rằng giọng hát đó rất khó tìm, vì nó lạ, vì nó khác giọng thường nghe, vì chất nhựa của thuốc, của rượu đã quện lại thành một loại giọng của người đã từng lăn lóc trong trường đời. Đó là cái may mắn của anh mà anh Vô Thường không biết hay không muốn biết.

Ở Pháp có ca sĩ Charles Aznavour cò một giọng hát the thé, hát lên cứ rung hoài. Vậy mà ăn khách đến nỗi anh ta phải tìm hãng bảo hiểm giọng hát của anh ta. Ở Mỹ có Louis Amstrong cũng nhờ có giọng khàn đặc biệt mà thế giới thần tượng hóa trong lĩnh vực nhạc Jazz. Nhờ vào cái tâm hồn rất phong phú mà khi anh Vô Thường hát, tiếng hát đó dễ đi sâu vào lòng người nghe, như truyền đi những gì anh muốn nói qua lời ca, qua tiếng nhạc.

Lúc đó tôi chưa gặp anh Vô Thường. Tôi chỉ nghe giọng hát, nghe lời nhạc anh viết, tôi mường tượng con người đã bị đời cho nhiều vố đau điếng nên xuyên qua giọng hát, tôi có cảm tưởng một bầu trời bi quan, chán chường, tuyệt vọng, một khung cảnh u sầu, uất hận.

Bản nhạc anh vừa sáng tác vào tháng 8, 1987 với tựa đề Giọt nước mắt lưu đày gói ghém nỗi lòng của anh:

Đêm thức giấc quanh đây trời đất lạ
Ta một mình biết nói với ai đây
Bao ưu phiền ray rứt bấy lâu nay
Thân lạc loài viễn xứ mấy ai hay.
Giòng nước mắt no đầy kiếp lưu đày
Ly rượu này chưa uống sao ta say ?
[…]
Cuốn băng Hạnh phúc nửa vời của anh Vô Thường phát hành giữa năm 1987. Tất cả những nhạc phẩm trong cuốn băng đầu tay có tính cách chuyên nghiệp hơn qua các giọng ca đầy triển vọng của Uyên Lan, Lê Uyên, Phạm Hoàng Dũng, Việt Dzũng, Hằng Nga, Ngọc Giao, Như Mai và Vô Thường. Nữ ca sĩ Uyên Lan, một tài năng mới xuất hiện, trước kia ở Houston, nay đã dời đô về Cali, có một giọng hát nghiêng về alto hơn là soprano. Đa số nữ ca sĩ Việt đều có giọng cao soprano. Bản nhạc Hạnh phúc phù du cũng như bài Hạnh phúc nửa vời đã được Uyên Lan diễn tả với tất cả tâm hồn làm người nghe như lắng đọng trong không gian hư vô.
Hạnh phúc nửa vời, qua nhịp điệu habanera chậm buồn, tôi có cảm giác anh Vô Thường muốn gởi trọn nỗi lòng của anh trong tiếng hát của Uyên Lan.

Trong cuốn băng Hạnh phúc nửa vời, bài tôi thích nhất có lẽ là bản nhạc Tình khúc cho Saigon được Lê Uyên diễn tả rất đậm đà, chân tình trong một giọng hát nồng ấm. Cặp Lê Uyên Phương giờ đây không còn nữa. Phương tức Lộc đã ra người thiên cổ sau khi hai người đã xa nhau một thời gian. Lê Uyên hiện vẫn còn hát và điều khiển quán Cà phê LUP, nơi tụ họp của những người làm văn nghệ tại Quận Cam, Cali. Dòng nhạc của bài Tình khúc cho Saigon nghe như đi nhẹ vào hồn, như dìu ta về dĩ vãng của thời Saigon xa xưa .

Tất cả những bản nhạc (11 bài tất cả) đều được thể hiện qua hai chủ đề: thương nhớ quê hương, nuối tiếc hạnh phúc mà vì hoàn cảnh đất nước anh đã mất đi và tuyệt vọng trong kiếp sống lưu đầy.

Anh đã bị đời dày xéo. Nếu còn đươc giây phút nào để nói về thân phận, về cuộc đời trên giấy bút, trên âm nhạc, trên văn thơ, thì anh Vô Thường sẽ không ngần ngại.
[…]
Tôi có gặp anh lần chót vào tháng 10, 2001 tại San Jose khi chúng tôi sang diền. Anh tuy ốm nhưng vẫn còn tếu như mọi khi. Anh có trở về Việt Nam lần chót để thực hiện CD Tình Ca Vô Thường / Giọt Nước Mắt Vô Thường qua tiếng hát của Quỳnh Lan, Đức Minh, Vô Thường và bài Nhớ chút tình bỏ quên do Bạch Yến hát cả hai lời Việt / Pháp. Đây là dĩa CD với nhạc và tiếng hát Vô Thường và là dĩa “có lời” nhưng chưa kịp “kiếm lời” là anh đã ra đi. Bạch Yến đến thăm Anh lần chót vào ngày mùng 1 Tết Quý Mùi (tháng 2, 2003), hai tháng trước khi anh lìa trần.

Anh Vô Thường đã trở về với cát bụi, nhưng Anh đã để lại cho đời một số sáng tác nhạc, hàng trăm dĩa CD ghi lại tiếng đàn ghi-ta tay trái bất hủ của anh. Anh ra đi nhưng đã để lại bao tiếc thương một người bạn tốt với bạn, với người đồng hương (Anh đã đóng góp rất nhiều cho các cơ quan từ thiện qua số dĩa CD và băng nhựa anh tặng) với đất nước .

Những sáng tác mới của anh Vô Thường là những điểm son trong làng nhạc Việt. Sự đóng góp của anh Vô Thường, tuy không to tát nhưng rất có ý nghĩa vì anh viết nhạc đặt lời rất thành thật tự đáy lòng phát ra. Anh Vô Thường là một ngôi sao sáng, một hiện tượng trong làng tân nhạc Việt ở hải ngoại.

————-

(*) Bài hơi dài nên Po đã tự tiện gọt đi một vài đoạn, bà con có thể đọc nguyên gốc tại đây: Link gốc

(**) Hiện tại Po đang có trong ổ cứng 48 album mp3 nhạc hòa tấu guitar Vô Thường (dung lượng khoảng 6 GB), bà con nào thích nghe hãy liên lạc với Po để copy (free trăm phần trăm, nếu hậu tạ bằng cà phê thì càng tốt hehe)

16 thoughts on “Vô Thường guitar, tiếng đàn bất tử!

  1. Ghi ta vô thường thì khỏi phải nói , cô mê số 1 , hồi nhà cô mở quán cafe chỉ mở độc có ghi ta Vô Thường , khách đến nghiện cafe nghiện cả Ghi ta VÔ thường luôn đó cháu , lại còn khen quán nhà cô có gu âm nhạc độc đáo nữa chứ 😀

    • Hehe, guitar VT nên được nghe vào ban đêm mới hay cô hè. Ban ngày nghe thấy “bưng bưng” lỗ tai lắm. Cà phê ngon và nhạc hay thì còn gì bằng nữa cô nhỉ! 😀

  2. Nghe giới thiệu thì biết vậy, nhưng về phần biểu diên ghi ta thì thực lòng anh không cảm được cái hay của tiếng đàn ghi ta Vô Thường, chú Po ạ. Cảm giác nó cứ na ná như ghí ta điện, mà thường thì ghi ta điện ít khi chơi một mình vì nó quá đơn điệu .

  3. Guitar, saxophone, piano mà cứ là nhạc ko lời là Sunf thích cực. Guitar VT mà mở ở quán Vô Sự tứ phương lầu của Huế buổi tối thì thôi rồi luôn anh Po ah. Nhạc và ko gian hòa quyện vào nhau. Thật nhẹ nhàng và dịu êm! ^_^
    Nhưng vẫn thiệt xờ tình 1 điều là em thích nghe Guitar theo dòng như nhóc Sungha Jung hơn anh khi ngồi ở nhà. Nghe VT chỉ hợp khi đi cafe thoay ah. ^_^

    • Thằng nhóc Sungha đó đúng là tay đàn điệu nghệ nhưng có vẻ cu cậu chỉ hợp với phong cách hiện đại thôi, còn classic thì nên dành cho mấy ông già (như anh trở lên) 😀

Gửi phản hồi cho Thuận Phong Hủy trả lời