Những chuyện trung thu…

1. Chuyện bánh trung thu

Cách đây hơn một tháng, các cửa hàng bánh trung thu dã chiến bắt đầu tràn ngập phố phường Sài Gòn, hầu như bất kỳ đường phố nào cũng có ít nhất là một cửa hàng bánh chiếm dụng vỉa hè và trưng biển đỏ rực chào mời. Có vẻ như việc buôn bán không được mau mắn cho lắm nên càng gần tới trung thu, các cửa hiệu đua nhau đại hạ giá, mua 1 tặng 1 hoặc giảm tới 50%. Photobucket

Năm nay bánh trung thu nhìn rất bắt mắt và có vẻ ngon, nhưng bà con hãy lưu ý một chút. Thứ nhất nên để ý xem nguyên liệu làm bánh có được bảo đảm hay không vì năm nào các lực lượng chức năng cũng tóm được một vài vụ việc các công ty làm bánh trung thu ham của rẻ, xài nguyên liệu nhập lậu không rõ nguồn gốc. Thứ 2 là bánh trung thu thường được sản xuất trước 2 – 3 tháng rồi nằm phơi nắng trong tủ kính cửa hàng dưới cái nóng gần 40 độ C. Hàng thực phẩm tiêu dùng thường được kiến nghị phải bảo quản trong bóng mát và ở nhiệt độ thấp, như vậy, bánh trung thu trưng bày trong điều kiện nêu trên liệu có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm?

Về giá bán, bánh trung thu có biên độ giá dao động rất lớn, từ vài chục ngàn tới vài triệu đồng một hộp. Người ta gọi loại bánh có giá trên trời kia bằng một cái tên rất kêu: bánh trung thu cao cấp. Bánh cao cấp được quảng cáo là có sử dụng các loại nguyên liệu… cấp cao như yến sào, bào ngư… gì gì đó rồi được ra giá ngang với cả tháng tiền cơm của một gia đình lao động cực nhọc. Rõ khổ, đến cả bánh trung thu mà còn bị phân biệt đẳng cấp nữa huống hồ các em nhỏ chắc cũng không tránh được sự phân biệt phận sang phận hèn. Tội lắm thay!

2. Chuyện múa lân

Trung thu đi kèm với múa lân, đây là tiết mục trẻ con khoái xem nhất vào đêm trăng rằm. Nhưng múa lân bây bây giờ… chán lắm. Ở thành phố có một vài đoàn múa lân chuyên nghiệp, múa may ra tấm ra miếng, nhưng các đoàn này thường chỉ biểu diễn ở các nhà hàng, khách sạn, các trung tâm mua sắm và thu tiền trăm tiền triệu mà thôi. Với lại, ở đâu có múa lân là ở đó có… tắc đường, vui đâu đẹp đâu không thấy, chỉ thấy khói bụi mịt mù, xe người chen nhau kêu inh ỏi!

Múa lân ở quê cũng chán không kém. Tới ngày trung thu, tự dưng các đoàn múa lân ở đâu ra mọc như nấm. Cứ dăm ba thằng lập một nhóm rồi chung tiền sắm đầu lân, mặt nạ ông địa và trống cái rồi chạy khắp đầu làng cuối xóm để… thu hồi vốn. Tối trung thu, mỗi nhà “bị” tới 5, 6 đoàn xông vào “biểu diễn”, vừa treo tiền xong cho lân đoàn này thì lân đoàn khác đã thúc trống chầu chực ngoài ngõ. Có nhà sau khi “đón tiếp” vài đoàn múa lân thì hoảng hồn khi thấy sân vườn bị giẫm tan nát, mấy cây ổi trĩu quả bị vặt trụi lụi, vài chậu kiểng cũng không cánh mà bay… Vì thế, đừng ngạc nhiên nếu vào đêm trung thu, khi ông trăng trên trời tròn vời vợi chiếu sáng thế gian, thì nhà nhà đều cửa đóng then cài im lìm. Trách ai gây cơ sự trớ trêu!

3. Chuyện cũ

Ngày xửa ngày xưa, khi tôi còn bé lắm, thuở được gọi là thiếu nhi ấy. Trung thu đối với bọn trẻ tụi tôi là một ngày tết thực sự. Trước dịp trung thu, cả bọn gom góp lại một đống hột bưởi, đem phơi nắng cho khô rồi xâu lại thành từng chùm. Bọn tôi còn mua những tấm nilon màu đỏ, vàng, xanh, sau đó hì hục vót tre làm khung rồi bọc nilon màu bên ngoài thành hình đèn ông sao, dù không đẹp bằng đồ bán sẵn ngày nay nhưng trông cũng bắt mắt lắm. Chuẩn bị đâu vào đấy rồi chúng tôi hồi hộp chờ đợi đêm trung thu.

Vào đêm trăng rằm, ngay từ lúc chập choạng cả bọn điểm danh tập hợp ở cổng trường, bàn tán sôi nổi tối nay sẽ bày những trò gì. Bọn tôi, tất cả đều quần đùi, chân trần, tay cầm lồng đèn bắt đầu chạy rần rần từ xóm dưới lên xóm trên. Chạy một vài đoạn thì dừng lại và biểu diễn trò đốt hột bưởi. Hột bưởi khô rang, chứa đầy tinh dầu, bắt lửa cháy toe toe như pháo hoa rất vui mắt. Bọn con trai quây thành vòng tròn, đứa này bá vai đứa kia, có đứa khoái chí nhảy chồm lên lưng đứa bên cạnh làm thằng đó la oai oái, mọi cái mồm đều hoạt động hết công suất, chúng la hét, nói cười, hát hò ầm ĩ. Một hồi sau khi hò hét chán chê, bọn trẻ tách ra và nhập hội với đám múa lân của mấy anh thanh niên trong làng. Tiếng trống, tiếng phèng, tiếng bước chân của đoàn người rần rật như một sư đoàn xung trận.

Mỗi độ ấy, ba tôi thường lên phố mua về một hộp bánh trung thu cho cả nhà. Bánh trung thu hồi trước chỉ có nhân đậu xanh, trứng gà và thịt mỡ, vậy mà hai anh em tôi thèm nhỏ dãi. Không được xơi ngay mà phải kiên nhẫn đợi tới ngày trăng rằm mới được khui ra, anh em tôi cứ vờn quanh hộp bánh háo hức chờ được chia phần. Nhấp một miếng, chời ôi là chời, bánh chi mà ngon dữ rứa hè, sau khi nếm thử, tôi đẩy nguyên miếng bánh to ự vào mồm rồi nhai ngồm ngoàm, cảnh tượng y chang như huynh đệ Tôn Ngộ Không khoái trá xơi trộm quả nhân sâm của Trấn Nguyên Tử trong phim Tây Du Ký đang chiếu trên tivi.

Ba nhìn tôi, mỉm cười, nhấm nháp một miếng bánh nhỏ rồi chiêu một ngụm trà…

4. Tạm kết

Nghĩ tới trung thu ngày trước, thấy thương cho tụi nhỏ ngày nay…

38 thoughts on “Những chuyện trung thu…

  1. Chị nhớ Trung thu thì được cơ quan tổ chức cho được ăn bánh kẹo xả láng cuộc đời, nhưng thiếu màn kéo quân !
    Nói chung vẫn cảm ơn cuộc đời cho ra đời sơm dăm ba năm để còn được hưởng cái bình yên trong trẻo của tuổi thơ

  2. Chú Po lên chương trình vui Trung thu coi sao hỉ? Hay là
    Trung thu là Tết thiếu nhi
    Mà sao người lớn lại đi nhiều nhiều
    Đi nhiều nhưng chớ làm liều
    Kẻo rồi lại có thật nhiều thiếu nhi
    😀
    (Thơ sưu tầm, không nhớ chính xác lắm)

  3. Tớ bỗng thấy ghét trung thu ngày nay. Bọn nhóc bây giờ cũng thực dụng quá, mới bé tí teo đã cầm cái đầu lân chạy lung tung xin xiền. Xóm nào cũng có một hội lân từ lít nhít đến lỡ nhỡ. Chẳng có sự hào hứng đón chờ, thèm thuồng đón nhận từng chiếc kẹo, cái bánh như xưa nữa.

  4. Lân mẹ có lân con có, nhiều lân nhỏ quá không biết nên gọi là lân hay lăng quăng. Chạy nhảy mướt mồ hôi xin tiền, cũng chẳng bao nhiêu đâu, vui là chính. Mình có thằng cháu khoái múa lân lắm, đi một đêm được chia đâu năm hay mười ngàn gì đó mà nó thấy oai lắm. Có bữa nọ bị mấy lân lớn rượt chạy té re, về nhà buồn thiu. Có gì nữa để chơi đâu mà trách, chỉ điên nhất là mấy thằng lớn hư sự.

  5. Mình có đứa cháu ngoại Suna năm nay hưởng Trung thu đầu tiên, đưa cháu đi xem múa lân bị kẹt xe, còn bánh thì cháu chưa ăn được nên không mua, nhưng đọc bài của Thuận Phong để rút kinh nghiệm… Nói chung Trung thu bây giờ đã khác xưa, là Trung thu thị trường định hướng XHCN…

  6. Vừa còm bên Sơn xong, copy lại ở đây 🙂
    ………………………………………..
    Trung thu tết của thiếu nhi
    Nhưng mà người lớn họ đi thì nhiều
    Đi nhiều thì lại làm liều
    Làm liều thì lại có nhiều thiếu nhi

Gửi phản hồi cho chiptran Hủy trả lời