Paris 11 tháng 8

Trên tienve có đăng một bài viết về cuốn Paris 11 tháng 8 của Thuận, đọc rồi mà đọc lại cũng thấy hài nên chôm về blog làm của riêng.hihi

***

  • Nguyễn Liên Quỳnh

Tiểu thuyết thứ ba của Thuận cho tôi một mẻ cười từ đầu chí cuối, trọn một đêm tháng mười hai, khi Sài Gòn bỗng dưng được ông trời thưởng luồng khí lạnh, mưa rả rích lễ Giáng sinh. Hôm sau, nói chuyện với bạn, bạn cũng bảo: Paris 11 tháng 8, đọc xong vỡ bụng là vừa.

Mọi nhân vật, mọi sự kiện đều biến thành nạn nhân của khôi hài.Photobucket

Anh trai say phim con heo và em út bụ bẫm. Chị dâu mê ốc luộc và tiểu thuyết Mạc Ngôn. Cuộc sống vợ chồng đôi khi có trục trặc. Tai nạn đáng kể nhất là lần chị dâu thuê thám tử tư theo dõi anh trai:

Trên từng cây số một tháng liền thì phát hiện vụ trưởng đi họp khẩn cấp với cấp trên hai lần, còn mười lần đi họp khẩn cấp với em út. Thám tử tư xong việc, đưa cho một phong bì ba mươi sáu tấm ảnh màu chụp hai đối tượng ở ba sáu tư thế khác nhau, đòi chị dâu Liên phải trả phụ phí cao gấp đôi. Thám tử tư bảo vụ trưởng hẳn xuất thân đặc công, đi đến đâu xóa vết đến đấy, theo được vụ trưởng khó hơn mấy lần theo người thường. Thám tử tư lục túi đưa chị dâu Liên xem ba tấm ảnh tư liệu. Một tấm chụp 4h25, vụ trưởng ngồi xe con đọc báo, com lê đen, mũ nồi. Một tấm chụp 4h42, vụ trưởng ngồi tắc xi gặm bánh mì, quần tây, áo bu dông, kính râm. Một tấm chụp 5h15, vụ trưởng ngồi bãi biển, miệng ngậm ống hút, cởi trần, mặc xi líp, một tay là cốc sữa trân châu Đài Loan, một tay là em út bụ bẫm…

Người Việt ở đất Việt đã khôi hài như thế, đặt chân lên đất bạn thì khôi hài hơn nữa. Đại gia Vinh và đoàn du lịch VIP đi ăn phở ởParislà một thí dụ rất vui:

Vinh suỵt suỵt vì bồi bàn đang đi tới rồi quay ra hỏi anh Khiết: thủ trưởng làm một tái gầu nhé. Anh Khiết bảo: ít mỡ thôi, tớ đang bị cái anh co-rét-xì-tê-rôn hành ghê quá. Vinh bảo: ngày mai nhờ Mai Lan đi mua hộ ít thuốc Tây. Mai Lan bảo: bên này cần phải có đơn bác sĩ. Vinh bảo: tìm hiệu thuốc của người Việt ấy. Mai Lan im lặng. Anh Thực bảo: cô Mai Lan nhân tiện hỏi giúp bao tiền một vỉ vi-a-gờ-ra. Chị Vị bảo: mua quà cho thủ trưởng à? Anh Thực bảo: bí mật. Chị Vị gọi một tái nạm. Bồi bàn hỏi: nạm là gì, nhà hàng chỉ có tái và bò viên. Anh Thực nói: sao lại bò viên, bên này ăn uống lẫn lộn thật. Vinh quyết định cả đoàn lấy sáu tái. Bồi bàn bảo: tô to hay tô nhỏ. Vinh bảo: tô to, cho thêm mấy đĩa giá chần. Rồi chỉ vào anh Khiết: bát của ông này không lấy nước béo. Một tiếng sau, ì ạch chưa xong sáu bát phở… Anh Thực bảo: phởParischỉ được cái to, còn lâu mới bằng phở Lý Quốc Sư. Chị Vị bảo: được tị nước húp còn hơn ăn mì Ý và khoai tây rán. Anh Thực bảo: bọn Tây ngày nào cũng xơi được những món ấy, giỏi thật. Một người bảo: thế chúng nó mới khoẻ như trâu, cày tốt lắm đấy. Chị Vị đỏ mặt. Người kia bảo: ông Thực chơi món vi-a-gờ-ra phải cẩn thận, bọn Tây dùng một viên thì mình bẻ đôi ra mà uống, chúng nó cân nặng gấp đôi mình ấy chứ. Một vị quen tôi, làm luôn cả viên, cứng mấy ngày liền, phải đi bác sĩ. Cả đoàn cười khùng khục…

Nước Việt bị khôi hài hành hạ. Nước Pháp cũng chẳng được cái cười buông tha. Nếu bản báo cáo khoa học của doctor Nguyen Van Buoi khá ư độc đáo thì bài báo “Béo phải chăng là dấu hiệu của bất lực?” của tạp chí Phụ Nữ Hiện Đại cũng xôm ra trò, tác giả hỏi ý kiến bảy phụ nữ:

Chị thứ nhất bảo: đàn ông béo lên giường chỉ để thở, tôi đã đạp một thằng tình nhân chín mươi tám cân từ giường xuống đất vì đợi đến hai giờ sáng mà nó không chuyển qua phần hành động. Chị thứ hai bảo: đàn ông béo lên giường chỉ để tâm sự, tôi có phải bác sĩ tâm lý học đâu mà nghe chúng nó than vãn sự đời. Chị thứ ba bảo: đàn ông béo lên giường chỉ để được vuốt ve. Tôi không phải bà bô cũng không phải là gái làm tiền. Chị thứ tư bảo: đàn ông béo lên giường chỉ để có cảm giác an tâm. Chúng nó luôn bị chứng nhồi máu cơ tim ám ảnh nên rất cần có một người nằm cạnh. Tôi thà ngủ một mình còn hơn đang đêm phải gọi xe cấp cứu. Chị thứ năm bảo: đàn ông béo lên giường chỉ để ngủ, đã thế lại còn ngáy rất to, hơi thở hôi khủng khiếp, nếu phải chung chăn kề gối với một thằng như vậy, tôi sẽ uống thuốc an thần. Chị thứ sáu bảo: đàn ông béo lên giường chỉ để tiêu cơm sau khi đã nốc một đống thức ăn vào bụng, nhìn cái bụng của chúng nó là tôi đã hết khoái cảm. Chị thứ bảy bảo: đàn ông béo lên giường chỉ để ra vẻ với người khác là mình vẫn còn khả năng sinh lý. Thực ra mỡ đã lấp hết dây thần kinh cảm giác, kết quả là tay thì cứng quèo, chân thì run rẩy, dương vật thì teo tóp, bụng thì như phụ nữ chửa tháng cuối cùng.

Nhân vật chính tên Liên, trọng tâm của tác phẩm, đương nhiên được tác giả ưu ái dành cho nhiều khôi hài nhất. Câu chuyện bắt đầu bằng những cái mụn trên mặt Liên, được miêu tả ở các vị trí hiểm hóc – “bốn cái đối xứng trên cằm, hai cái hai cánh mũi”. Chúng là kết quả của trận nắng nóng ầm ĩ báo chíPariscách đây hai năm? Không, hồi ức của nhân vật chính ngay lập tức báo cho độc giả biết: trứng cá bọc là căn bệnh mãn tính liên tục hành hạ Liên, là lý do khiến tuổi dậy thì của cô “không vương vấn gương mặt thằng con trai nào”, “không có mùi kem cốm Thủy Tạ, mà phảng phất mùi tanh của các phòng khám da liễu”. Hình thức xấu xí gây ra nghịch lý đầu tiên. Nó sẽ còn đeo đuổi Liên đến phút cuối cùng.

Ba mươi lăm tuổi, vào “một ngày oi bức năm 2000”, sau tất cả cố gắng lẫn ân hận của anh trai, Liên đáng thương chính thức được đưa ra tìm chồng. Và các vị hôn phu tương lai cũng đáng thương biết bao! Vị đầu tiên tên Thước, kính đổi màu làm vật bất ly thân, “lúc tưởng mình là thương binh hạng nhất, lúc tưởng mình là nhà khoa học trứ danh, cả hai đều bị thương ở mắt vì những lý do cao cả”. Vị thứ nhì goá vợ, giáo viên dạy thể dục, ngấp nghé ngũ tuần, sau lần gặp đầu tiên hứa gọi điện thoại lại, bốn tháng sau lấy một giáo viên dạy nữ công “trẻ hơn sáu tuổi, có một nốt ruồi to bằng hạt cơm trên gò má”. Vị cuối cùng – phụ trách kế toán tài chính xí nghiệp đánh cá Hải Phòng, chưa từng có vợ nhưng có tật nhẹ ở chân trái, “gặp Liên mười lăm phút thì xin phép về có cuộc họp khẩn cấp, cuối tháng gửi giấy mời anh trai Liên đến dự đám cưới, cô dâu tên Nguyễn Thị Xuân Lan”.

Chuyến xuất ngoại, đầu tiên và duy nhất của Liên, không mang một lý do cao cả nào (ví dụ: đi học, đi nghiên cứu, đi hội nghị, đi kí hợp đồng, đi tìm tự do, đi tìm chân lý, đi tìm cuộc sống mới…). Nó được giải thích bằng sự ăn năn của người chị dâu quê mùa “không hiểu đơn giản hay thâm cay, chỉ thấy nhiều bất ngờ”. Cuộc giã từ, kẻ đi người ở chẳng hẹn ngày gặp lại, nhờ hài hước mà hết bịn rịn, từ xúc động lại biến tầm thường:

Hai anh em chia tay ở sân bay. Anh bảo: thôi em gái lên đường may mắn. Liên im lặng, trên lưng là một ba lô mì ăn liền, tay phải là túi du lịch đựng lạc rang và cơm khô, tay trái là túi du lịch đựng hai quyển từ điển Việt-Pháp và Pháp-Việt. Ô-sin bỗng dưng bảo: chín tháng nữa cô Liên mang về một cậu người yêu mắt xanh mũi lõ. Anh giật mình quay sang vợ. Vợ cười cười. Liên nhìn anh trai và chị dâu, không nói gì. Sau này, cũng không viết thư hỏi ai là người đã làm chuyện này từ A đến Z.

Độc giả nào mau nước mắt chắc cũng khó ca nổi “Biệt ly nhớ nhung từ đây…”

Nước Pháp công bằng chẳng kém nước Việt, cũng vô tư đem lại cho Liên ba cơ hội gặp gỡ ba hoàng tử. Hai chàng đầu không tên, lần lượt có biệt danh là hà mã và gấu, rất giống nhau ở trọng lượng quá tải, ở cái bụng không bao giờ đóng nổi thắt lưng, không gợi cho Liên mảy may tình cảm nào ngoài bài báo “Béo phải chăng là dấu hiệu của bất lực?”. Chàng cuối cùng có vẻ nhẹ nhõm hơn, kỉ niệm lớn nhất là dịp phục vụ sứ quán Hà Nội và hội nghị Paris, yêu cơm Việt, bập bẹ tiếng Việt, thích báo Nhân Đạo, nhưng đổi lại là cái tuổi lục tuần, cái bí danh Thanh đọc chệch thành Tanh, căn bệnh vô cảm và nỗi ám ảnh về cõi thiên thai.

Liên, gái già xấu xí và nhút nhát, ngồi cạnh hoàng tử Pháp tên Tanh, tưởng tượng ra cái chết của bản thân:

Trong tốc độ hai trăm cây số giờ, Liên nghĩ tới cảnh chị dâu chui vào gậm giường, mở lọ thủy tinh lấy ra một nghìn đô la, thuê Vietnam Airlines mang xác Liên về ViệtNam. Có lẽ đây mới là bất ngờ cuối cùng của chị, anh trai Liên sau đó sẽ phải đính chính lại trong hồi kí. Hồi kí của anh bốn năm rồi chưa hoàn thiện. Xác Liên đặt giữa nhà, hàng xóm thế nào cũng mang ba mươi chín bông hồng trắng sang viếng, nửa tiếng sau cả phố biết mặt Liên còn bao nhiêu cái trứng cá bọc, nửa ngày sau cả Hà Nội biết đi Tây kiếm chồng khó ra làm sao…

Độc giả chưa kịp rút mùi xoa để khóc cho những bông hồng trắng trên nóc quan tài, lại phải bật cười trước những cái mụn trứng cá bọc trên mặt nhân vật chính, trước thói tọc mạch của các vị láng giềng, và sự ngây thơ đến tội nghiệp của các nàng lọ lem.

Paris 11 tháng 8 cho tôi một mẻ cười. Thoả chí nhất là cười mà không phải nghe rao giảng đạo đức, không phải nhớ các công thức: cười mà cay, cười mà thâm, cười mà khóc trong lòng… bấy lâu vẫn ngự trị nền văn nghệ xứ Việt, từ sân khấu đến điện ảnh, sách vở. Paris 11 tháng 8, đối với tôi, là trò đùa của chữ và nghĩa, của nhịp và điệu, của độc thoại và đối thoại, của nghịch cảnh và trí tưởng tượng. Xin trích dưới dây một đoạn tâm đắc:

May mà có cửa sổ để không khí bay vào.
May mà có cửa sổ.
May mà có cửa sổ để những khi không muốn đi bộ bảy tầng gác mua nửa cái bánh mì ăn tối, Liên có thể đứng bên cạnh húp bát mì gói. Liên tưởng tượng nếu không có cửa sổ mà ngồi húp mì gói trên giường thì phải thảm hại lắm. Dẫu có vừa húp vừa uống Coca Cola và sau đó tự thưởng cho mình một quả táo xanh màu nõn chuối thì cũng vẫn thảm hại. Thảm hại hơn cả cơm tập thể ngô bung và bí đao chấm muối. Thảm hại hơn cả cơm sơ tán năm mươi phần trăm mì sợi và bắp cải xào mỡ cừu viện trợ Liên Xô.
May mà có cửa sổ để những khi không muốn xách túi quần áo, đi tàu điện ngầm đến nhà tắm công cộng quận Mười Tám, Liên có thể đứng bên cạnh lấy khăn mặt ướt lau người, lau mãi, lau rộp cả da vẫn không hết mùi hóa chất vừa dùng để gội đầu vừa dùng để tắm cho các cụ già. Liên tưởng tượng nếu không có của sổ mà đứng lau người cạnh la-va-bô thì phải thảm hại lắm. Dẫu vừa lau vừa nhai kẹo cao-su và sau đó tự thưởng cho mình một mi-li-lít Chanel N°5 thì cũng vẫn thảm hại. Thảm hại hơn cả vừa cởi trần vừa xua muỗi ở buồng tắm cót ép xã Thanh Lý tỉnh Hoà Bình. Thảm hại hơn cả vừa dội nước vừa bịt mũi ở buồng tắm xí nữ xí nghiệp giày vải Yên Viên.
May mà có cửa sổ để tháng 8 năm 2003, nhiệt kế tầng áp mái dừng lại ở số 42, để mặt Liên chỉ mọc thêm sáu cái mụn. Liên tưởng tượng nếu không có cửa sổ mà ngồi nhìn mặt mình trong gương, rồi nặn mủ và bôi thuốc thì phải thảm hại lắm. Dẫu là thuốc Pháp và gương rất thật mặt chứ không phóng mụn lên gấp đôi như gương Hà Nội thì cũng vẫn thảm hại. Thảm hại hơn cả nặn mủ và tháng này bôi dấm, tháng sau bôi nghệ, tháng sau nữa bôi i-ốt, tháng sau nữa bôi rau má giã nhỏ, tháng sau nữa bôi kem đánh răng, tháng sau nữa bôi thuốc đỏ, tháng sau nữa bôi cà rốt sống, tháng sau nữa bôi nước chè tươi, tháng sau nữa bôi dưa chuột lát mỏng, tháng sau nữa bôi bột quế trộn nước cốt chanh, tháng sau nữa bôi sữa chua ủ hạt đậu ngự.
May mà có cửa sổ cho những buổi chiều chủ nhật mùa đông thì xám xịt, mùa hè thì lê thê, không có địa chỉ điện thoại nào để gọi, vật vờ nhìn đống nồi xoong bát đĩa nham nhở dưới gậm bàn.
May mà có cửa sổ.

Nếu ai bảo cửa sổ thuộc về trường phái lãng mạn, Liên sẽ im lặng. Nếu ai bảo cửa sổ tầng bảy dễ tự tử hơn cả sông Hồng lẫn sông Xen, Liên cũng sẽ im lặng. Căn phòng mà bị bịt kín cửa sổ thì giống hệt thùng hàng biển, còn Liên sẽ là con chuột bẩn thỉu. Giữa con chuột bẩn thỉu và chủ nghĩa lãng mạn thì cái nào thảm hại hơn cái nào?

Trong không khí đạo mạo sùng bái triết lý và học thuật của văn chương nước Việt, tác phẩm của Thuận là cái cười vô tư. Hy vọng các nhà phê bình lỗi lạc sẽ không gán cho nó các tính từ khác: cái cười giai cấp, cái cười truyền thống, cái cười thời đại, cái cười tôn giáo, đạo đức, xã hội…

Nếu được tác giả cho phép, tôi sẽ gọi Paris 11 tháng 8 là truyện cười. Xin cám ơn.

Sài Gòn, tháng 12 năm 2005
Nguyễn Liên Quỳnh

*** Bác nào thích đọc Ebook thì nó Đây nè.

17 thoughts on “Paris 11 tháng 8

  1. Để xem xem ở VN có không? chị nhờ người mua.
    Chị muốn nói cái này mà k biết có diễn tả được như ý không? tức là chị cảm giác người viết ở VN mình vẫn k có được sự bứt phá như người viết ở nước ngoài, nói như tác giả có nói ở phần cuối là có thể do cơ chế kiểm duyệt nên người ta cứ phải cố nhòi nhét cả tý thứ tính vào văn học làm cho nó khô cứng đi, không tự nhiên..

    • Hihi, chị HL đã đá quả bóng trúng góc chết khung thành rồi.
      Đó là một trong những lý do mà một bộ phận độc giả VN đã và đang quay lưng lại với VH trong nước và chuyển sang VH dịch đấy chị ạ.

  2. tìm được cuốn này rồi em ạ, ngay trong tủ sách nhà chị bạn! hihihii đang bắt đầu trang đầu tiên!
    Phong ơi tại sao chị k down load sách từ kệ sách của em ?

  3. Phong ơi, chiến đấu xong cuốn ni rồi, nhưng đọc đến phần cuối thì chị xỉu luôn, rất mệt…đọc cuốn này phải thần kinh vững một chút..

Gửi phản hồi cho Hà Linh Hủy trả lời