Mỹ Thể, giọng ca ngọt ngào dĩ vãng!

Nhạc trữ tình, dòng nhạc mà người ta đã gắn cho cái tên mỹ miều: Nhạc vàng. Cũng có người gọi là dòng nhạc xưa. Thực ra, nhạc trữ tình, nhạc vàng hay nhạc xưa, những cái tên đó đều không đủ bao quát hết ý nghĩa. Chẳng lẽ cứ phải lấy mốc 1975, 1945 để phân ra các loại nhạc xưa, lấy một vài nhạc phẩm có ca từ mùi mẫn (sên sến) rồi ép nó vào nhạc vàng… thì mọi sự sắp xếp e hơi khập khiễng.

Chẳng ai dám tự hào nói rằng mình đã am hiểu tường tận các dòng nhạc trong nước. Từ khi tân nhạc hình thành và phát triển trong thập niên 30 của thế kỷ trước, cho tới nay, có một kho đồ sộ các sáng tác được lưu truyền trong cộng đồng ở trong và ngoài nước.

Po tui thích nghe và sưu tầm các tác phẩm nhạc trữ tình ở dạng mp3. Trong số đó, rất nhiều album được thu lại từ băng cassette, băng cối (reel), đĩa nhựa, đĩa CD… Càng sưu tầm càng thấy những gì mình có là con số bé tí hin. Tài nguyên còn rất dồi dào nên lúc nào cũng có cái để… sưu tầm, tùy duyên thì gặp những hàng độc.

Trong số các giọng ca “xưa”, tui rất mến mộ một người đã quá cố, tên tuổi không quá nổi bật trong làng nhạc nhưng sở hữu một giọng ca ấm áp, ngọt ngào và rất tình cảm: ca sĩ Mỹ Thể. Thông tin về ca sĩ Mỹ Thể trên mạng rất ít, chỉ có bài viết của cố nhạc sĩ, nhà báo Trường Kỳ về ca sĩ Mỹ Thể là tương đối đầy đủ, xin được giới thiệu cho những ai quan tâm tới một giọng ca – nếu đã từng nghe sẽ không bao giờ quên!

——————–

Mỹ Thể (1939 – 2000)

 Trường Kỳ

Nếu đề cập tiếng hát trình bày rất đạt nhạc phẩm “Ai Lên Xứ Hoa Đào” của Hoàng Nguyên hoặc “Đường xưa Lối Cũ” của Hoàng Thi Thơ thì chắc chắn người yêu nhạc sẽ nhắc tới Mỹ Thể, một tên tuổi từng có một thời được biết tới nhiều. Nhất là vào khoảng cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, tiếng hát này đã cất lên từ nhiều vũ trường lớn ở Chợ Lớn cũng như Sài Gòn. Đã từ rất lâu cho đến khi qua đời vì trọng bệnh, người ta ít có dịp được nghe nhắc nhở đến người nữ ca sdĩ dễ mến này vì chị đã thu gọn cuộc sống của mình vào trong phạm vi gia đình, do đó rất ít xuất hiện trong các sinh hoạt ca nhạc. Hơn nữa, khoảng mấy năm trước đó, Mỹ Thể cho biết chị đã quyết định ngưng hoạt động vì cho rằng không còn thấy thích hợp với những sự xuất hiện trước công chúng.

Photobucket

Cố ca sĩ Mỹ Thể (1939 – 2000)

Sau ngày 30 tháng Tư năm 75, Mỹ Thể kẹt lại trong khi mẹ và các con của chị đã định cư trước đó ở thành phốLancaster, tiểu bangPennsylvania. Trong thời gian này chị lên Đà Lạt sinh sống, thỉnh thoảng trở lại Sài Gòn để tìm cách ra nước ngoài. Đến tháng 3 năm 80, Mỹ Thể được xum họp với gia đình, gồm mẹ và các con. Chỉ trong một thời gian ngắn, Mỹ Thể đã bay sang California sinh hoạt với anh chị em nghệ sĩ quen biết tại đây theo lời mời gọi của các bạn bè. Khởi đầu chị cộng tác với vũ trường Maxim’s của Ngọc Chánh ở San Jose sau đó là những buổi trình diễn liên tục.

[…]

Mỹ Thể bắt đầu đi hát từ năm 63, khởi đầu cộng tác với những chương trình văn nghệ quân đội như Đoàn Văn Nghệ Bảo An cùng một vài nghệ sĩ quen thuộc khác như Khả Năng, Phi Thoàn, Thanh Việt, Trần Quang, Kim Vui, v.v… Hay Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương và đoàn Hoa Tình Thương, v.v… Những nhạc phẩm do Mỹ Thể trình bày và được mọi người ưa thích vào thời kỳ đó là Tình Anh Lính Chiến, Chiều Hành Quân, Ngày Em Về Thăm Quê Tôi, v.v… Trước đó, từ năm 60, Mỹ Thể đã có thời gian hát trong các chương trình tân nhạc phụ diễn Xổ Số Kiến Thiết.

Từ năm 65 đến 69, Mỹ Thể cộng tác với các chương trình ca nhạc phát thanh của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết và một số ban khác, cùng một lúc bước chân vào lãnh vực phòng trà và vũ trường bằng sự cộng tác với các vũ trường như Hồng Tá, Lệ Uyển trong Chợ Lớn.

Qua những năm từ 68 đến 70 thì tên tuổi Mỹ Thể bắt đầu nổi bật tại các vũ trường lớn ở Sài Gòn như Queen Bee, Maxim’s, Palace và Đêm Màu Hồng. Nhưng sau khi cộng tác với vũ trường Ritz của Jo Marcel thì tiếng hát chị đã lên đến đỉnh cao để rồi ngay sau đó được rất nhiều trung tâm băng nhạc mời thu thanh và nhiều vũ trường khác mời hát.

Ngoài những hoạt động như thu băng hoặc hát ở vũ trường và đài phát thanh, tiếng hát Mỹ Thể còn rất được ưa chuộng qua những đại nhạc hội và các chương trình truyền hình của Nhật Trường, Thái Thanh, v.v… Qua đến năm 72, Mỹ Thể ngưng mọi hoạt động sau khi trình diễn tại hội chợ Thát Luông (Lào) và nghỉ hát luôn cho đến ngày rời ViệtNamra đi. Theo chị, tình trạng an ninh trong một hoàn cảnh chiến tranh đã khiến chị không còn đi hát, nhất là sau vụ nổ ở vũ trường Tự Do đã khiến nhiều nghệ sĩ rất lo ngại khi đi hát tại các vũ trường.

Mỹ Thể tên thật là Công Huyền Tôn Nữ Mỹ Thể, sinh quán tại Huế, thân sinh chị qua đời vào năm 39 tuổi khi Mỹ Thể mới lên 2. Thân mẫu chị cũng vừa từ trần cách đây gần 4 năm. Trước kia, Mỹ Thể không bao giờ nghĩ là mình sẽ đi theo con đường ca hát vì gia đình bên nội chị rất khó, nhất là ông nội chị là cụ Ưng Đồng, một trong tứ trụ triều đình. Sau khi thân phụ qua đời, người con út trong gia đình là Mỹ Thể theo mẹ cùng các anh về quê ngoại ở Phan Thiết. Nhờ đầu óc tiến bộ và cởi mở của Mẹ, nhất là bà là người yêu thi ca và tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội nên Mỹ Thể đã được khuyến khích khi có ý theo đuổi đường văn nghệ. Sau khi học tới năm Đệ Thất ở Phan Thiết, Mỹ Thể vào Sài Gòn năm 58 khi được 17, 18 tuổi và đã theo học các trường Việt Nam Học Đường và Gia Long trước khi về lại Phan Thiết. Trước đó cũng tại thành phố này, Mỹ Thể đã gặp gỡ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Sáng và đi đến hôn nhân một thời gian sau. Nhưng sau 11 năm chung sống hai người đã đi đến tình trạng chia tay mà theo Mỹ Thể do số đào hoa của người chồng trước. Cũng theo Mỹ Thể cho biết thì nhạc sĩ Nguyễn Hữu Sáng đã lập gia đình sau đó với một nữ nghệ sĩ trong đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương, là đoàn chị đã từng cộng tác một thời gian. Video đầu tiên có sự góp mặt của Mỹ Thể ở hải ngoại mang tựa đề “Đường Xưa Lối Cũ”, trong khi đó chị còn góp tiếng trong một số CD khác, đáng kể là “Những Buổi Chiều Vàng” và gần đây hơn cả là CD “Ai Lên Xứ Hoa Đào” do trung tâm Giáng Ngọc phát hành năm 97, đó là chưa kể một số CD khác mà Mỹ Thể đóng góp giọng hát mình qua một vài nhạc phẩm.

Mỹ Thể đã giã từ sân khấu – giã từ cuộc đời vào ngày 08 tháng 10 năm 2000 tại Paris, sau khi được đưa từ Orlando qua chữa trị căn bệnh ung thư – nhưng người nghe chắc sẽ không thể sao quên được tiếng hát từng một thời được coi là tràn đầy tình cảm này.

————-

Mời bà con nghe vài bài hát do Mỹ Thể thể hiện được Po up ở mp3.zing  tại ĐÂY


20 thoughts on “Mỹ Thể, giọng ca ngọt ngào dĩ vãng!

    • Cô ca sĩ này tuyệt không thấy một clip nào trên mạng cô ạ. Tạm thời cô nghe mp3 bằng link cháu để ở dưới bài viết. Không uổng thì giờ đâu cô ạ

  1. Nghe link mới biết mình đã nghe giọng ca này trong các băng cassette Nhạc Vàng từ xưa mà không biết người hát. Cảm ơn Po về entry giới thiệu này nha.

      • Giọng ca không lẫn nên nghe là nhận ra Po ui. Chị nghĩ thu âm trong những băng cassette Nhạc Vàng trước 75 của cổ không ít đâu, bằng chứng là chị được nghe mà.

        • Vậy là hồi trước chị Lana cũng đã nghe nhiều nhạc vàng rồi chớ, phải nghe nhiều mới biết ca sĩ này vì Mỹ Thể hát không nhiều đâu chị ạ, gom đi gom lại tầm khoảng 60 chục bài thôi.

Gửi phản hồi cho Thuận Phong Hủy trả lời